Không có phương án thay thế nên việc cấm giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè trên 262 tuyến phố tại Hà Nội áp dụng hôm qua và bãi bỏ quy định cho phép xe ô tô đậu dưới lòng lề đường ở hầu hết các tuyến đường tại TP.HCM đã gây ra tình trạng rối loạn vì thiếu chỗ đậu xe. “Mọc” hàng loạt bãi gửi xe “tạm” Hôm qua (15/2) khi lệnh cấm tại Hà Nội chính thức có hiệu lực, trên rất nhiều các tuyến đường bị cấm, bãi giữ xe vẫn hoạt động bình thường. Cụ thể, điểm giữ xe dọc đường Nguyễn Khánh Toàn, nằm trong danh sách các tuyến phố, đường bị cấm trông giữ xe nhưng dưới lòng đường cũng xuất hiện cả một hàng dài, lên tới vài chục chiếc xe tải, ô tô loại 5, 7 chỗ dừng đỗ. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Q.Ba Đình, nơi có 53 tuyến đường, phố bị cấm trông giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè. Các điểm trông giữ xe trên phố Hàng Bài, Bảo Khánh, Phủ Doãn, Đinh Tiên Hoàng... vẫn tiếp tục hoạt động. Xe vẫn đậu ở những tuyến đường cấm giữ xe ở Hà Nội Nguy hiểm hơn là hàng loạt điểm trông giữ xe tự phát đã mọc lên rất nhanh. Điển hình như bãi trông giữ xe ô tô tại khu vực đã giải tỏa nằm trong ngõ 51 phố Đốc Ngữ. Chỉ trong buổi sáng, khu đất rộng hàng trăm mét vuông này đã gần như kín chỗ các loại ô tô. Chủ bãi xe cho hay: “Khi nào TP bố trí điểm đỗ mới thì thôi không nhận xe nữa”. Một bãi trông giữ xe không phép khác, nằm sau cây xăng dầu ở ngã tư Đội Cấn - Liễu Giai (tại bãi đất trống bỏ hoang) cũng đã xuất hiện trong sáng 15.2, nhận trông giữ chủ yếu là ô tô. Đáng nói, các bãi xe này không hề được trang bị PCCC dù giữ một số lượng lớn xe. Tương tự là một loạt các điểm trông giữ xe không phép, nhỏ lẻ trên tuyến phố Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng... đã xuất hiện, để đáp ứng nhu cầu cho các điểm trông giữ xe trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh nay bị thu hồi giấy phép. Cấm ở phố, đậu ở ngõ Cũng trong sáng 15/2, khi một loạt những tuyến đường, tuyến phố bị cấm trông giữ xe, thì nhiều phố không bị cấm, hoặc những ngõ, ngách nhỏ liền kề với khu vực bị cấm, đã bị các chủ phương tiện sử dụng làm nơi đỗ xe miễn phí, khiến diện tích mặt đường của con phố bị thu hẹp đáng kể. Như tuyến phố Phan Kế Bính, Linh Lang, Vạn Bảo... bị cấm trông giữ xe, thì các ngõ trên tuyến phố này lại có rất đông xe ô tô đậu đỗ. Bác Nguyễn Thị Nhâm, một người dân sống trong khu tập thể trên phố Phan Kế Bính cho biết: trong sáng 15.2, nhiều ô tô của các công chức làm ở những công sở gần đó đậu, đỗ, đã khiến việc đi lại, sinh hoạt của cư dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Tại phố Vạn Phúc (không nằm trong danh sách cấm), dọc hai bên đường cũng san sát những xe du lịch 45 chỗ, xe ô tô loại nhỏ đậu đỗ. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đây cũng là giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, không có điểm đỗ người dân phải lựa chọn các phương tiện khác. Tuy nhiên, phương tiện thay thế là phương tiện nào thì Giám đốc Sở GTVT Hà Nội lại không trả lời. Dù trên thực tế, không phải tuyến đường nào cũng có xe buýt chạy qua, nhất là các tuyến phố cổ. Không đậu thì chạy... lòng vòng Đó là tình trạng của nhiều xe ô tô cá nhân, đặc biệt là taxi tại TP.HCM kể từ khi không được đậu xe dưới lòng, lề đường tại nhiều tuyến đường. Anh Thuận, tài xế taxi hãng Vinasun than, trước đây một số tuyến đường có nhiều nhà hàng, khách sạn ở Q.1 như Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, Lý Tự Trọng... còn cho phép đậu xe theo ngày chẵn - lẻ, nhưng nay cấm hẳn. Vì vậy, giới tài xế phải chạy lòng vòng chờ đón khách. Nhưng đối tượng bị phạt nhiều nhất là xe cá nhân bởi phần lớn mọi người không rành quy định cấm áp dụng ở tuyến đường nào nên cứ đậu vô tư. Tài xế Quý, thuộc hãng Mai Linh, bộc bạch: “Giờ TP không có chỗ nào đậu nên chỉ còn cách chạy lòng vòng hoặc đậu lụi". Theo ông Đặng Hoàng Phương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV taxi Sài Gòn Hoàng Long, trong lúc TP đang thiếu chỗ đậu xe nghiêm trọng, các dự án xây dựng bãi đậu xe quy hoạch nhiều năm vẫn còn trên giấy thì cấm dừng, đậu xe trên tất cả đường rất "nguy". Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng Bộ GTVT, UBND TP cần có chính sách linh hoạt để vừa giảm được ùn tắc giao thông vừa không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của xã hội, nhất là hoạt động của các phương tiện giao thông. Trong điều kiện giao thông TP hiện nay, nếu cấm đậu, dừng xe một cách máy móc chắc chắn không phù hợp thực tế.