Quả thực khó có gia đình nào có được cái phúc lớn như nhà ông khi cả 11 người con cùng dâu, rể và các cháu đều thành đạt… Tôi hỏi ông Sử giờ đây nhìn lại đời mình, ông tự thấy thành công nhất việc gì? Không cần nghĩ, ông nói ngay: "Tuổi tôi bây giờ, mỗi khi nhìn con cháu thành đạt quây quần bên cạnh là tôi mãn nguyện; đàn con là thành công nhất đời tôi". I - Nhắc tới các con, ông Sử cười mãn nguyện, vì thông thường có một "quy luật" của những gia đình đông con, đó là thế nào trong đàn con sẽ có một đứa phải "gánh nợ trần gian" cho cả gia đình nên không chứng nọ cũng tật kia. Nhưng, may mắn cả 11 người con của ông đều giỏi giang, thành đạt. Người con trai cả là Đại tá, Kỹ sư Đỗ Thái Tùng đã nghỉ hưu nhưng vẫn đang làm việc cho một công ty lớn ở Hà Nội. Là GS-TS, Thầy thuốc nhân dân (TTND) Đỗ Tất Cường, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân đội 103, hiện là quyền Giám đốc điều hành đồng thời là Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Là Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong. Là Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội. Là Đỗ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ nhiệt lạnh FTD. Là Đỗ Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty Diana và người con trai thứ bảy là Đỗ Khôi Nguyên, tốt nghiệp Tiến sĩ Luật ở Mỹ, hiện đang làm cho một công ty của Mỹ ở Hà Nội. Các con gái của ông cũng thành đạt với nghiệp kinh doanh như chị Đỗ Kim Dung, Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các công ty sữa, chị Đỗ Xuân Mai và chồng là điều hành Công ty Green Global... 23 cháu nội, ngoại của ông hầu hết đều tốt nghiệp đại học và thạc sĩ tại nước ngoài, và phần đông theo nghiệp kinh doanh của gia đình. Từ kinh nghiệm đời mình, ông bảo rằng muốn các con thành đạt thì người cha phải là tấm gương sáng cho con học tập về tri thức, nhân cách; người cha phải là người biết khả năng của con mình đến đâu để có định hướng đúng. Đại gia đình doanh nhân của "lão đại gia" Đỗ Thế Sử.Ông kể, sau ngày mẹ mất, thấy bố vất vả quá, mấy đứa con lớn định nghỉ học để phụ bố nuôi các em. Lúc ấy, ông nói với các con rằng nếu thương bố, các con hãy cố học thật giỏi, bố đủ sức để nuôi các con ăn no mặc ấm, chỉ mong các con học giỏi và ít nhất phải học hết đại học, vì muốn có sự nghiệp thì phải học chứ không có con đường nào khác. Để nêu gương học tập cho con, ông vẫn xin đi học tại chức Đại học Bách khoa, và phải học buổi tối. Ông nói với các con rằng: "Bố đi học là vì các con, để có điều gì các con không hiểu, bố sẽ dạy". 70 tuổi ông học tiếng Anh để làm việc với đối tác; 87 tuổi ông tiếp tục học tiếng Hoa và bây giờ, ông vẫn học ngoại ngữ, mục đích cũng chỉ để làm gương cho các cháu "ông tuổi này còn học thì chúng mày đương nhiên phải học". Nhớ hôm ngồi nói chuyện với GS-TS - Đỗ Tất Cường, người con trai thứ 2 của ông, khi nghe tôi hỏi về kỷ niệm thuở nhỏ, anh Cường kể rằng cho tới bây giờ vẫn nhớ hình ảnh cha mình là một người nghiêm khắc tới mức hà khắc với các con, nhất là chuyện học hành. "Bố tôi "giao hẹn" với các con rằng sẽ chỉ đi họp phụ huynh cho những ai có kết quả học tập đạt loại giỏi. Chính tấm gương học tập của cụ mà sau này tất cả anh em chúng tôi đều học đại học". Nghiêm khắc với con trong việc học hành, nhưng khi con đứng trước ngưỡng cửa vào đời, ông không ép phải làm gì mà chỉ định hướng, gợi mở để các con tự quyết định. GS-TS Đỗ Tất Cường vẫn nhớ năm 1967, do kết quả học tập phổ thông đạt loại giỏi nên anh được gọi vào Khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng, vì không thích nên anh xin chuyển ngành học. "Lúc ấy, nhà trường nói nếu chuyển chỉ còn Trường đại học nông nghiệp thôi. Nhưng mình là người Hà Nội, học Nông nghiệp thì sẽ làm gì được. Vậy là tôi về nói với bố. Nhờ các mối quan hệ, ông cụ lên Bộ Giáo dục hỏi còn có trường nào nhận sinh viên không. Kiểm tra mãi, người ta trả lời còn mỗi Đại học Y thôi. Trở về, ông kể với tôi rằng trước lúc mẹ mất, mẹ nói với bố rằng trong 9 đứa con, mẹ thấy tính cách của con là hợp với nghề bác sĩ. Vậy là tôi quyết định vào Trường Y dù nhập học muộn mất 1 tháng". Và cho tới bây giờ, sau 40 năm gắn bó với nghề y, gặt hái rất nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học và trong sự nghiệp, GS-TS Đỗ Tất Cường vẫn luôn cảm ơn người cha đã hướng anh đến với nghề bằng một câu chuyện như vậy…. Cả một đời làm kinh doanh, ông Sử bảo rằng thời nào thương trường cũng là chiến trường với rất nhiều nguy hiểm, người làm kinh doanh chỉ cần tính sai một bước là có thể phải trả giá bằng cả cơ nghiệp. Vì vậy, khi các con, cháu bước vào con đường kinh doanh, ông vẫn dặn ai cũng muốn làm giàu nhưng đồng tiền nó cũng tác hại lắm, ham muốn vượt quá khả năng của mình thì rất nguy hiểm, nên mỗi người phải biết tự lượng sức mình. GS-TS Đỗ Tất Cường II - Nói về những người con giờ đều là doanh nhân thành đạt, ông Sử không giấu niềm tự hào khi nhắc tới người con trai thứ ba Đỗ Minh Phú. Bây giờ, Đỗ Minh Phú đã quá nổi tiếng với cương vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, top 3/500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2011 (VNR500) với doanh thu năm 2011 là 30.000 tỉ đồng. Nhưng, ít người biết rằng người hướng Đỗ Minh Phú tới nghiệp kinh doanh và tham gia sáng lập ra Doji chính là ông Đỗ Thế Sử. Tốt nghiệp Khoa Vô tuyến điện - Đại học Bách khoa, Đỗ Minh Phú về làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1990, khi đang công tác tại Viện Vật lý, Đỗ Minh Phú được GS Nguyễn Văn Hiệu cử sang làm Tổng giám đốc Công ty liên doanh với nước ngoài chuyên về xuất nhập khẩu may mặc, thủ công mỹ nghệ đối với thị trường châu Âu. Hai năm sau, anh lại được Viện cử sang làm Tổng giám đốc Công ty liên doanh chuyên về đá quý. Năm 1994, Đỗ Minh Phú được nhận học bổng sang Nhật làm tiến sĩ. Nhưng cũng thời điểm ấy, anh bắt đầu có ý tưởng lập công ty riêng. Ông Sử kể rằng: "Khi Phú về nói chuyện này, tôi bảo rằng học tiến sĩ cũng tốt, nhưng con thấy mình làm kinh doanh có hợp không? Phú trả lời thấy hợp. Tôi nói thế thì con có thể trở thành nhà tư bản được vì làm kinh tế phải có gien, mà con thì có cái gien ấy". Và đích thân ông Sử đến Sở Kế hoạch - Đầu tư xin đăng ký kinh doanh và ông giữ vai trò Chủ tịch HĐQT cho Công ty Phát triển công nghệ thương mại TTD, đó cũng chính là công ty tiền thân của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji. Nhắc tới Doji và Đỗ Minh Phú, ông Sử không giấu niềm tự hào nói rằng cái tên Tập đoàn Doji cũng mang ý nghĩa là "gia tộc hộ Đỗ". "Năm 1997, khi Phú và Tú về nói chuyện với tôi về việc thành lập công ty chuyên sản xuất khăn giấy cao cấp, tã giấy, băng vệ sinh, tôi nói ngay hai anh làm thì bố yên tâm rồi. Sau đó Công ty Diana ra đời và đúng là làm ăn rất tốt". Sau hơn 10 năm thành lập, Công ty Diana được đánh giá là hình mẫu của công ty gia đình ở Việt Nam trong thời kỳ tăng trưởng. Vì vậy năm 2011, Tập đoàn Unicharm (Nhật) đã chấp nhận mua lại 95% cổ phần trong Công ty cổ phần Diana Việt Nam thông qua Công ty Unicharm Thái Lan với giá 128 triệu USD (nhưng có thông tin con số thực còn cao hơn nhiều). Năm 2011, tạp chí tài chính châu Á The Asset bình chọn thương vụ mua bán cổ phần Diana với Tập đoàn Unicharm của Nhật Bản là một trong các thương vụ tốt nhất châu Á về mua bán, sáp nhập (M&A). Tuy chỉ còn lại 5% cổ phần nhưng Đỗ Anh Tú vẫn được đối tác đề nghị tiếp tục làm Tổng giám đốc Diana thêm 2 năm nữa. Năm 2012, hai doanh nhân này một lần nữa thu hút sự quan tâm của giới đầu tư tài chính khi Tập đoàn Doji mua 20% cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong. Ông Đỗ Minh Phú sau đó đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT, còn Đỗ Anh Tú cũng được bầu làm ủy viên HĐQT TienPhongBank. III - Trong số những người con rất thành đạt của ông Sử, có một người khá đặc biệt so với những người anh em, đó là GS-TS - Bác sĩ chuyên khoa II - Thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường, một trong những chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu. Năm 1973, tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội, bác sĩ Đỗ Tất Cường tình nguyện nhập ngũ trở thành bác sĩ điều trị Khoa Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện 103 - Học viện Quân y và gặt hái nhiều thành công trong nghề khi là một trong những bác sĩ đầu tiên tham gia ghép tim và ghép gan ở Việt Nam. Những nghiên cứu về thận nhân tạo từ năm 1978 do GS-TS Đỗ Tất Cường và cộng sự thực hiện là những nghiên cứu tiền đề cho những thành công trong ghép thận sau này tại Việt Nam. Là người được tu nghiệp và học hỏi kinh nghiệm ghép tạng tại Hà Lan, Cuba, Israel, Trung Quốc, GS-TS Đỗ Tất Cường đã áp dụng vào điều trị, vì vậy ông là một trong những tác giả của cụm công trình ghép tạng đã đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2005. Đúc kết sau gần 40 năm gắn bó với nghề, GS-TS Đỗ Tất Cường nói rằng làm bất cứ nghề gì muốn có thành công cũng phải có tình yêu và nhiệt huyết, nhưng với người thầy thuốc cần phải hội tụ 5 tố chất được thể hiện bằng 5 từ tiếng Anh đứng đầu bằng chữ H: Head: "Đầu hay"; Hand: "Tay giỏi"; Heart: "Tâm sáng"; Health: "Sức khỏe tốt" và Hard: "Quyết đoán, chịu khó". Trong những thành công của GS-TS Đỗ Tất Cường, người trong nghề đều biết tới sáng chế "Dụng cụ mở khí quản khẩn cấp TC-08" của ông. Trước khi có bộ dụng cụ này, kỹ thuật mở khí quản trong hồi sức cấp cứu vẫn áp dụng phương pháp kinh điển là mổ tách từng lớp gây sẹo to, dễ gây chít hẹp và xẹp khí quản; khi thực hiện cần tới 15-20 phút và 2-3 thủ thuật viên; phải có đèn rọi vào vết mổ, gối độn vai; đường rạch da rộng nên phải khâu vết mổ 1-2 mũi… Ngay cả dụng cụ mở khí quản qua da nhập khẩu từ Pháp, Mỹ với giá khoảng 500 USD/ bộ và chỉ dùng được một lần nhưng khi thực hiện vẫn cần 5-7 phút với 2 thủ thuật viên, phải độn vai, nong khí quản nhiều lần, do đó dễ gây chảy máu và tổn thương khí quản, chưa đảm bảo mở khí quản trong những trường hợp khẩn cấp. Sau hai năm nghiên cứu, GS-TS Đỗ Tất Cường đã chế tạo thành công bộ dụng cụ mở khí quản khẩn cấp bằng thép không rỉ, giá rẻ, có thể dùng nhiều lần và đặc biệt là khắc phục được các nhược điểm của các phương pháp cũ, với đường rạch da khoảng 1,5cm, bệnh nhân chảy máu rất ít nên không cần khâu cầm máu, không cần khâu da, không cần độn vai. Bộ dụng cụ này cho phép mở khí quản nhanh, dễ thực hiện, an toàn ít biến chứng và chỉ cần một bác sĩ thực hiện; đặc biệt hiệu quả khi áp dụng mở khí quản khẩn cấp cho hàng loạt bệnh nhân, ngay tại nơi xảy ra tai nạn, thảm họa hay chấn thương phức tạp, bỏng nặng vùng hàm mặt… Về hưu sau gần 40 năm công tác ở Bệnh viện Quân đội 103, giờ đây, với vai trò là quyền Giám đốc Điều hành đồng thời là Giám đốc Chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, GS-TS Đỗ Tất Cường tâm sự, dù không theo nghiệp kinh doanh như cha và những người anh, em, nhưng khi ở vị trí của người quản lý, ngoài chuyên môn của một bác sĩ, ông cần phải biết kiến thức của nhiều lĩnh vực khác như quản trị doanh nghiệp, luật pháp, tài chính - ngân hàng… và ông cảm thấy may mắn khi có những người em làm doanh nghiệp, họ đều là những chuyên gia trong các lĩnh vực đó và khi ông cần tư vấn, họ luôn đưa ra những lời khuyên rất xác đáng. IV - Chiều muộn, tôi mới rời ngôi nhà ở số 4 ngõ Bà Triệu của “lão đại gia” Đỗ Thế Sử. Nhìn đồng hồ, ông bảo chắc bà cũng sắp về để nấu cơm chiều; bao năm nay dù bận rộn với công việc ở xưởng may, nhưng bà không thuê người giúp việc, ngày ngày vẫn tự tay nấu hai bữa cơm cho ông. Nhắc tới bà, ông cười hóm hỉnh: "Tuổi này vẫn được vợ nấu cơm cho ăn, được làm công việc mình thích, thế là hạnh phúc"