Những nghiên cứu gần đây bằng kính viễn vọng vô tuyến khổng lồ Green Bank của Quỹ Khoa Học Quốc Gia Mỹ cho thấy thiên hà Andromeda đang bay tới Trái đất với vận tốc hơn 400,000km/giờ và sẽ va vào dải Ngân hà của chúng ta, nhưng điều này chỉ xảy ra sau 4 tỷ năm nữa. Hiện thiên hà Andromeda đang bay tới dải Ngân hà của chúng ta với vận tốc hơn 400,000km/giờ, tốc độ tương đương với hành trình từ trái đất đến mặt trăng trong 60 phút. Ảnh: AP. Thiên hà Andromeda vốn là một tay sát thủ đầy kinh nghiệm khi đã từng va chạm với thiên hà Triangulum. Hai thiên hà Andromeda và Triangulum cách Trái đất lần lượt 2,6 triệu và 3 triệu năm ánh sáng và là những thiên hà trong nhóm các thiên hà có biên giới gần nhau bao gồm cả dải Ngân hà của chúng ta và 30 thiên hà khác. Những nghiên cứu dựa vào chiếc kính viễn vọng có độ nhạy cao này dường như đã xác nhận một phát hiện đã từng gây tranh cãi về dòng khí hyđrô xuất hiện giữa hai thiên hà này vào năm 2004. Jay Lockman thuộc Trung Tâm Quan Sát Thiên Văn Vô Tuyến Quốc Gia Mỹ, cho biết “Tính chất của dòng khí này chứng tỏ 2 thiên hà trong quá khứ rất xa đã từng tiến lại gần nhau. Việc nghiên cứu dòng khí hyđrô xuất hiện khi 2 thiên hà va vào nhau giúp chúng ta hiểu được quá trình phát triển của 2 thiên hà này”. Cầu nối bằng khí hyđrô giữa 2 thiên hà được phát hiện năm 2004 nhờ vào kính viễn vọng vô tuyến tổng hợp Westerbork ở Hà Lan. Nhưng một số nhà khoa học khác thì lại nghi ngờ về tính chính xác của phát hiện này. Những nghiên cứu sau đó bằng kính viễn vọng vô tuyến Green Bank xác nhận sự tồn tại của cầu nối bằng khí hyđrô này và cho thấy có 6 cột khí dày đặc trong dòng khí đó. Theo tờ Daily Mail, khi 2 thiên hà tiến lại gần thì sẽ xuất hiện cái gọi là đuôi thuỷ triều, những dòng khí và bụi bị hút vào khoảng không gian giữa 2 thiên hà. Spencer Wolfe, đại học Tây Virgina cho biết “Chúng tôi nghĩ rất có thể dòng khí hyđrô mà chúng tôi quan sát được giữa 2 thiên hà là phần còn lại của đuôi thuỷ triều xuất phát từ sự va chạm của 2 thiên hà, có lẽ là hàng tỷ năm trước đây. Vụ va chạm có thể đã diễn ra rất lâu rồi do hiện tại không có thiên hà nào cho thấy còn dấu hiệu của sự tàn phá.” Lockman bổ sung thêm: “Dòng khí mà chúng tôi quan sát rất loãng và hấp thu tín hiệu vô tuyến rất yếu đếm mức nó nằm ngoài tầm bắt sóng của hầu hết các loại kính viễn vọng vô tuyến. Vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục tận dụng khả năng tuyệt vời của kính viễn vọng khổng lồ Green Bank để tìm hiểu thêm về dòng khí hydrô và lịch sử dịch chuyển của hai thiên hà này.” Sangmo Tony Sohn, thuộc Viện Khoa Học Kính Thiên Văn Không Gian, tuyên bố: “Sau gần nữa thế kỷ quan sát số phận trong tương lai của thiên hà Andromeda và dãy ngân hà, cuối cùng chúng tôi cũng hiểu chuyện gì sẽ xảy ra sau 4 tỷ năm nữa”. Cuộc chạm trán này sẽ làm cho mặt trời bị đẩy vào thiên hà khác, còn các ngôi sao cũng sẽ bay theo quỹ đạo khác so với hiện nay. Mặc dù không bị phá huỷ nhưng trái đất và hệ mặt trời vẫn bị đẩy văng ra khỏi tâm của dãy ngân hà. Sau khi va vào nhau, phải mất thêm 2 tỷ năm nữa để 2 thiên hà hoàn toàn hợp nhất lại thành một thiên hà hình eclip mới.