Ly kỳ với chuyện gái điếm hạng sang Sài thành xưa Cô Tư Nhị là gái làng chơi hạng sang, có nhan sắc đậm đà và hoang dã hơn Yvette Trà; chỉ thích làm tình nhân của những ai giàu có, dám chi tiền không tiếc. Theo cuốn Các giai thoại Nam kỳ lục tỉnh, cuộc đời của Marianne Nhị là một chuỗi những ngày ăn chơi trác táng, những cuộc truy hoan thâu đêm, không biết giữ gìn sức khoẻ và cũng không biết ngày mai. Đứa con hai dòng máu Marianne Nhị là “đứa con hai dòng máu”, cha gốc Khơ-me, mẹ Việt (quê Sa Đéc), gia đình sinh sống lâu năm ở Nam Vang. Lớn lên, Nhị về Việt Nam, một mình dấn thân vào chốn đô hội ở Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Để có chỗ nương thân, Nhị lúc đầu xin làm em nuôi dưới trướng của chị Ba Phò và sống ở khu vực chợ Thái Bình. Một chốn ăn chơi ở Sài Gòn xưa. Có thể nói, chỉ đến ngày gặp Yvette Trà, đời cô Tư Nhị mới lật sang trang mới. Trong hồi ký, cô Ba Trà viết: Một đêm Trà đến xem phim tại rạp xi-nê Cầu Muối, nửa chừng trong bóng tối, bỗng nghe tiếng nói nhỏ nhẹ của một cô gái ngồi hàng ghế sau mời Trà điếu thuốc để… làm quen. Khi bị Trà từ chối, Tư Nhị nói: “Thôi mà cô Ba. Hút cho em một điếu để làm quen mà! Tại cô chưa biết em, chớ em đã biết cô từ lâu. Má em thường nhắc đến tên cô hoài và thường dạy em: Thà làm đĩ, ra chơi bời như cô mới đáng gọi là gái ngoan”. Theo lời Trà, khi hết phim, ra xe, cô gái ấy đi theo nói một câu bất ngờ: “Thưa cô Ba, nhà cô Ba ở đâu cho em về theo với”. Yvette Trà vừa ngạc nhiên, vừa chăm chú nhìn cô gái bạo gan, bạo miệng kia, thì thấy quả là một cô gái đẹp, rất trẻ và có thân hình hấp dẫn. Vốn tính phóng khoáng, cởi mở, lại dễ dàng thông cảm với hoàn cảnh của những người không một mái nhà như mình từng trải qua nên Trà đồng ý để cô ấy về Nguyệt tiên cung. Nhanh chóng trở thành gái hạng sang Tư Nhị có tên Tây Mariane Lê Thị Nhị là do Franchini lấy tên của nữ minh tinh màn ảnh Marianne để ghép với tên Nhị, thành Marianne Nhị. Từ lúc được Yvette Trà dìu dắt, Marianne Nhị lao vào cuộc chơi với giới thượng lưu Sài Gòn và nhanh chóng trở thành tình nhân của Fanchini, một trùm giang hồ gốc đảo Corse chuyên buôn thuốc phiện toàn cõi Đông Dương và tậu được một căn biệt thự khang trang ở đường Verdun (tức đường Cách Mạng Tháng Tám bây giờ). Thế nhưng, vì không muốn kém cạnh Yvette Trà, kết hợp bản tính man dại, Marianne Nhị lao vào các cuộc chơi như một con thiêu thân. Nhị lúc nào cũng tự phụ tự mãn với với bộ ngực nở nang khêu gợi, cặp môi luôn đỏ, đôi mắt ươn ướt, gương mặt đẹp lộ vẻ “sẵn sàng yêu”… Công tử Gò Đen tới Nguyệt Tiên Cung chơi, đã “cảm” Tư Nhị, đề nghị đưa Trà 10,000 đồng, rồi dẫn Nhị đi lập tổ uyên ương; mua cho Tư Nhị một căn phố trệt, có đầy đủ bàn ghế, nằm ở góc đường Verdun và Richaud, tức góc đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt trước năm 1975. Tuy vậy, Tư Nhị đâu muốn làm người vợ hiền và an phận với cuộc sống. Ngựa quen đường cũ, chỉ được ít tháng, Tư Nhị chán công tử Gò Đen, cặp bồ với người khác; trong đó phải kể tới chuyện lùm xùm giữa giai nhân với công tử Như Bích, con một đại điền chủ ở Bạc Liêu và một đại gia người Hoa ở Chợ Lớn… Chưa kể, bắt chước “mốt” ăn chơi của các tài tử điện ảnh bấy giờ, Tư Nhị cũng ngậm ống điếu thật dài, để tạo ra một phong cách thanh lịch và quý phái. Nhiều đêm, cô ngả bên bàn đèn, mơ màng tận hưởng sự khoái lạc của “nàng Phù Dung”. Nhiều ông huyện trẻ, cũng đến nạp tiền cho cô, để được gần người đẹp cho biết mùi đời… Ngửa tay hành khất xin ăn ‘Thú” thay người tình xoành xoạch và hút thuốc phiện đã nhanh chóng đẩy Marianne Nhị vào bi kịch. Vào giữa thập niên 1940, Nhị bỗng dưng biến mất khỏi chốn ăn chơi trác táng của Sài Gòn xưa. Ông Ba Quan, một tay chơi lịch duyệt trong giới cầm ca, người duy nhất gặp lại cô Tư kể lại: vào một buổi sáng năm 1945 hay 46 gì đó, tại một quán ăn ở đường George Guynemer, sau bữa điểm tâm, trả tiền xong định quay về, bỗng nghe tiếng gọi: “Anh Ba!”. Giật mình quay lại, không thấy ai cả, trừ năm ba người hành khất dơ dáy, định bước đi, rồi nghe một giọng nói tiếp theo: “Anh Ba, em là Tư Nhị đây!” Quan nhìn không ra vì đứng trước mặt là một người đàn bà ăn mày, không còn hình thể con người. Hai chân sưng và băng bó bằng lớp vải máu mủ, ruồi bu đầy, mặt đổi sắc, môi thâm đen. Quan không dám ngó lâu, rút tờ giấy 20 đồng, đặt nhẹ vào lòng bàn tay, rồi đi thẳng một nước. Sau cuộc gặp cuối cùng ngắn ngủi đó của Ba Quan, không hiểu dòng đời tiếp tục xô đẩy “Đóa Phù Dung” Marianne Nhị vào chốn nào, nhưng một thực tế đau lòng là bi kịch ăn chơi trác táng đã biến hoa khôi số hai của Sài Gòn ngày ấy thành kẻ ăn mày.