Chuyên gia cho rằng, những hành động phi pháp gần đây tiếp tục thể hiện dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc và bộc lộ những bế tắc bên trong đất nước này. Đẩy mâu thuẫn trong nước ra bên ngoài Ngày 18/4, Bắc Kinh tiếp tục leo thang các hành động ngang ngược trên Biển Đông khi phê chuẩn thành lập trái phép 2 đơn vị hành chính cấp huyện quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trả lời VTC News, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế (CSSD) nhận định việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố như vậy trong thời điểm này có nhiều lý do, xuất phát từ những khó khăn trong nước, buộc Trung Quốc phải đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài để hướng lái sự chú ý của dư luận. Đá Chữ Thập bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. “Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19. Kinh tế trì trệ, tăng trưởng chậm, đời sống nhân dân đi xuống và nhất là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Đây là những vấn đề nan giải của lãnh đạo Trung Quốc. Những điều này hối thúc Trung Quốc đẩy mâu thuẫn trong nội tại ra bên ngoài, từ đó hướng lái sự chú ý dư luận trong nước và thu hút cộng đồng quốc tế. Do đó, vấn đề Biển Đông, Đài Loan… là những ưu tiên để Trung Quốc thực hiện ý đồ”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho hay. “Mặt khác, Trung Quốc muốn tranh thủ thời điểm đại dịch COVID-19 để thực hiện mưu đồ của kẻ mạnh. Bắc Kinh cho rằng, đây là thời điểm các nước đối mặt với nhiều khó khăn, mất tập trung để lấn tới. Và tại thời điểm này, với tiềm lực của mình, Trung Quốc ra sức thực hiện điều đó”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nhấn mạnh Trung Quốc đẩy mâu thuẫn trong nội tại ra bên ngoài, từ đó hướng lái sự chú ý dư luận trong nước và thu hút cộng đồng quốc tế. Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh đang bị thế giới gây áp lực về nguyên nhân bùng phát dịch COVID-19. Và Trung Quốc thực chất sẽ phải trả lời thế giới về trách nhiệm của nước này đối với vấn đề COVID-19. Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, chiến lược của Trung Quốc là trở thành cường quốc biển. Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để hướng ra biển. Do đó, việc tuyên bố thành lập phi pháp cơ quan hành chính “quận Tây Sa” và "quận Nam Sa" được chính quyền Trung ương Trung Quốc khuyến khích. Và điều này nằm trong dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Ngọc Trường cho biết thêm, hành động của Trung Quốc diễn ra sau khi Việt Nam gửi công hàm Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là động thái muốn gây sức ép với Việt Nam. Và điều này Trung Quốc vẫn thường làm, không quá xa lạ. Trung Quốc luôn sử dụng các thủ đoạn và thời cơ để thể hiện quyền lực uy hiếp nước khác. Hành vi ngang ngược hòng chiếm trọn Biển Đông Trả lời VTC News, PGS-TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Mỹ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, trong lúc dịch COVID-19 tác động đến nhiều nước trong khu vực và thế giới, Trung Quốc lợi dụng thời điểm này liên tục thực hiện các bước trong ý đồ tranh giành chủ quyền trên Biển Đông. Theo chuyên gia, việc Trung Quốc thành lập trái phép cơ quan hành chính tại những nơi thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành vi ngang ngược, ngạo mạn. Điều này đi ngược lại với các chuẩn mực trong quan hệ quốc tế cũng như bất chấp, coi thường các nguyên tắc, luật lệ quốc tế. Chuyên gia Cù Chí Lợi cho rằng, khác với những hành vi trước đây ở Biển Đông, hành động trái luật pháp mới đây của Bắc Kinh là vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh tại khu vực. “Thứ nhất, một khi thành lập cơ quan hành chính, Trung Quốc sẽ có nhiều hành vi tiếp theo như thành lập đơn vị cơ sở, cơ quan theo chức năng, phân cấp, phân quyền trong hệ thống hành chính của Trung Quốc. Một khi đã đặt được đơn vị hành chính ở những nơi mà nước này tuyên bố chủ quyền phi pháp, Trung Quốc sẽ mở rộng việc xâm lấn các đảo đá khác ở Biển Đông PGS-TS Cù Chí Lợi Thứ hai, Trung Quốc sẽ gia tăng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nơi mà họ tuyên bố phi pháp thành lập đơn vị hành chính. Chiến thuật của Trung Quốc là từ việc xây dựng những ngôi nhà, trụ sở làm việc với mục đích dân sinh, dần dần Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc phát triển thành những tòa nhà, thành phố trên biển, không khác gì trên đất liền. Thứ ba, sau việc tuyên bố thành lập phi pháp đơn vị hành chính, Trung Quốc có thể triển khai, điều động quân đội ra canh giữ, bảo vệ chủ quyền phi pháp ở các khu vực mà nước này đã bất chấp đạo lý để tuyên bố chủ quyền. Thứ tư, một khi đã đặt được đơn vị hành chính ở những nơi mà nước này tuyên bố chủ quyền phi pháp, Trung Quốc sẽ mở rộng việc xâm lấn các đảo đá khác ở Biển Đông, gia tăng hiện diện về quân sự của nước này trên biển”, chuyên gia chỉ rõ. Sau động thái này, chắc chắn Trung Quốc sẽ có nhiều hoạt động tiếp theo ở 2 khu vực đã tuyên bố chủ quyền phi pháp. “Từ lâu, Trung Quốc đã có ý đồ thôn tính Biển Đông. Việc thành lập khu vực hành chính này chính là để phục vụ cho ý đồ kiểm soát Biển Đông. Hành động này được xem là cánh tay nối dài của Trung Quốc trong việc tăng cường hiện diện trên thực địa và dần kiểm soát phi pháp trên Biển Đông. Mục tiêu của Trung Quốc là tranh thủ thời cơ các nước khác không có đủ điều kiện phản ứng quyết liệt để thực hiện hành vi xâm lấn chủ quyền các nước. Việc tuyên bố thành lập khu vực hành chính này là thực hiện mục tiêu giành chủ quyền nước khác”, chuyên gia nhận định. Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Đối sách của Việt Nam Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Ngọc Trường cho rằng tuyên bố của Trung Quốc khi thành lập đơn vị hành chính ở Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam là phi lý, bất chấp dư luận quốc tế và đi ngược lại với các nguyên tắc và luật lệ quốc tế. Trước tình hình này, chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nâng cao cảnh giác, không để sơ sẩy ở những địa điểm, khu vực mình đã kiểm soát trên thực địa. Mặt khác, chúng ta cần sử dụng tổng hợp các biện pháp, kết hợp đấu tranh dư luận từ bên ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế, cũng như sử dụng kênh ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc để hóa giải căng thẳng. Chuyên gia Cù Chí Lợi khẳng định, đây là thời điểm Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện các hành vi khác nhau. Thứ nhất, dịch COVID-19 vẫn đang lây lan trên phạm vi toàn cầu, tác động đến nhiều nước trong khu vực. Thứ hai, hiện nay, thời tiết cũng đang là mùa thuận lợi cho Trung Quốc thực hiện nhiều hành động trên Biển Đông. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các động thái gây hấn, gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, phục vụ cho mưu đồ nuốt trọn Biển Đông của Bắc Kinh. Do đó, Việt Nam phải sẵn sàng các biện pháp để phản ứng một cách kịp thời, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Vì rõ ràng những động thái này của Trung Quốc là phi pháp, chắc chắn dư luận quốc tế sẽ lên án. “Chúng ta cũng cần phải cảnh giác. Đây chỉ là một trong nhiều hành động mà Trung Quốc đang thực hiện để phục vụ cho âm mưu và ý đồ của nước này trên Biển Đông. Do đó, chúng ta cần chú ý đề phòng, đảm bảo an ninh trật tự và chủ quyền quốc gia trong tình hình hiện nay”, ông Cù Chí Lợi nhấn mạnh.
Trung Quốc ngang ngược lập 2 huyện quản lý Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam Ngày 18/4, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) đưa tin về 2 huyện vừa được thành lập là Tây Sa và Nam Sa. Tây Sa và Nam Sa là cách Trung Quốc dùng để gọi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam. 2 huyện này trực thuộc cái được gọi là "thành phố Tam Sa" được Trung Quốc dựng lên từ tháng 7/2012 nhằm thực hiện kế hoạch kiểm soát Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines. Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo CGTN, Tây Sa sẽ quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và các vùng biển xung quanh, chính quyền huyện này đặt ở đảo Phú Lâm (thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam). Trong khi đó, Nam Sa quản lý quần đảo Trường Sa cũng như các vùng biển xung quanh và chính quyền huyện này đặt trên đá Chữ Thập. Đảo Phú Lâm và đá Chữ Thập đều là các thực thể thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc bồi đắp trái phép. Bất chấp mùa dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang các hành động ngang ngược trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần lên tiếng chỉ trích động thái triển khai các thiết bị quân sự trái phép của Trung Quốc tại các đảo Bắc Kinh bồi đắp và xâm lấn trái phép thuộc Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo trên Biển Đông này. Ngày 26/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo đó, mọi hoạt động tại 2 quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam”.